Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, người tiêu dùng Nhật rất chú ý đến chất lượng hàng hóa, bao gồm cả vấn đề vệ sinh, hình thức và dịch vụ hậu mãi. Những vết xước hàng hóa trong quá trình vận chuyển cũng có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiêu thụ cả lô hàng và ảnh hưởng đến uy tín. Bên cạnh đó, người Nhật cũng quan tâm nhiều đến mẫu, mã và màu sắc hàng hóa phù hợp theo từng mùa xuân, hạ, thu, đông. Mặt khác, tính đa dạng của sản phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng cho việc thâm nhập thị trường. Trong các siêu thị ở Nhật Bản có vô số những kiểu dáng, loại của cùng một mặt hàng hàng tiêu dùng. Đặc biệt, gần đây, mối quan tâm đến vấn đề sinh thái của người Nhật ngày càng nâng cao. Các cửa hàng đang liên tục cải tiến cách đóng gói sản phẩm để làm sao vừa đẹp, vừa đơn giản và bao bì có thể tận dụng bằng các nguyên liệu tái sinh.
Do đó, khi kinh doanh với người Nhật, cần lưu ý tới một số điểm như giữ chữ tín, dù là những việc nhỏ nhất. Người Nhật trao đổi thông tin, đàm phán rất lâu và kỹ, làm việc rất máy móc. Cho dù là công ty thương mại đơn thuần, trong đại đa số trường hợp, khách hàng Nhật Bản vẫn yêu cầu đối tác làm ăn đưa đến tận nơi sản xuất để tận mắt chứng kiến tổ chức, năng lực sản xuất hay của đối tác sản xuất hàng. Nhưng khi bắt đầu giao dịch chính thức, các công ty Nhật Bản lại nổi tiếng là ổn định và trung thành với bạn hàng. Thời gian đặt hàng thử, số lượng nhỏ kéo dài rất lâu. Nhiều khi, sau vài đơn hàng đầu tiên với số lượng ít, doanh nghiệp phía Việt Nam không đủ kiên trì để tiếp tục nên đã không nhiệt tình trong giao tiếp kinh doanh, dẫn đến mất khách hàng tốt trong tương lai. Người Nhật rất coi trọng chuyện gặp mặt trước khi bàn bạc hợp tác và rất chu đáo trong việc chăm sóc khách hàng. Người Nhật cũng rất thích khi đối tác sử dụng được tiếng Nhật vì họ cảm thấy gần gũi hơn. Ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số người nói được tiếng Anh rất ít. Người Nhật rất coi trọng giờ hẹn, rất đúng giờ. Sau khi đàm phán hay thống nhất vấn đề gì đó dù là không quan trọng lắm cũng cần phải làm bản tóm tắt nội dung đã thống nhất gửi lại cho đối tác. Hàng hóa, cho dù bất kỳ loại gì cũng phải có hình thức đẹp, sạch sẽ. Bao bì sản phẩm phải đóng gói cẩn thận, đúng tiêu chuẩn, hình thức đẹp, kích thước phù hợp, tạo được sự lôi cuốn và tiện dụng cho người sử dụng. So với các thị trường khác, tại Nhật Bản, một số mặt hàng như hàng quà tặng, chi phí cho bao bì chiếm tỷ trọng cao hơn trong giá thành sản phẩm.
Như vậy, có thể hiểu vì sao người Nhật luôn giữ uy tín và sản phẩm của họ luôn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng toàn thế giới. Đây cũng chính là những kinh nghiệm để hàng Việt Nam vươn lên, chiếm lĩnh thị trường trong nước, được đại đa số người Việt tin dùng và vươn tới các thị trường lớn trên thế giới.
Lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nhật 2016 (29-31/07)
Những điều không nên làm khi đến Nhật Bản
Nét tương đồng về tết cổ truyền ở Việt Nam và Nhật Bản
14 nguyên tắc nên biết khi làm việc với người Nhật Bản
Vẻ đẹp trong kiến trúc của người Nhật Bản
10 địa điểm tuyệt vời cho hành trình khám phá Nhật Bản