Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động 2014

Ngoài những thị trường xuất khẩu lao động truyền thống và phá băng thị trường Hàn Quốc, năm 2014 Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều thị trường lao động mới, cố gắng tạo điều kiện để người lao động có nhu cầu sẽ được ra nước ngoài làm việc.

 

90.000 lao động sẽ ra nước ngoài làm việc

Theo Bộ Lao động và Thương binh Xã hội năm 2013 cả nước có 88.000 lao động sang nước ngoài làm việc, vượt trên 3000 lao động so với chỉ tiêu đặt ra. Trong năm 2013, cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam cũng đang dần hé mở. Các chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi.

 

Bước sang năm 2014, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường lao động đã bắt đầu ấm trở lại, một số thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Đặc biệt, cánh cửa vào thị trường tiềm năng Hàn Quốc sẽ dần được mở lại, tạo thêm cơ hội cho lao động. Do đó ngành xuất khẩu lao động Việt Nam đặt ra chỉ tiêu năm 2014 sẽ đưa 90.000 người đi làm việc ở nước ngoài, tăng 5.000 chỉ tiêu so với năm 2013.

Mục tiêu đưa 90.000 lao động sang các nước làm việc sẽ được các cơ quan ban ngành có trách nhiệm quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng có tác động không tốt đến quyền lợi của những lao động chấp hành đúng quy định của luật lao động, cũng như làm ảnh hưởng đến đại diện phía chúng ta như: Lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc, lao động chui, lao động xuất khẩu không theo đúng quy định của luật xuất khẩu lao động…

 

Ổn định thị trường xuất khẩu lao động truyền thống

Năm 2014, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội xác định các thị trường lao động truyền thống như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia… vẫn là những thị trường xuất khẩu lao động chính. Đồng thời chính phủ cũng có kế hoạch mở rộng thêm các thị trường mới như: Australia, Canada, Bahrain, Angola, Thái Lan…

 

Điều đáng mừng đầu tiên cho xuất khẩu lao động Việt Nam năm 2014 là thị trường Hàn Quốc đã được nối trở lại. Mặc dù bản ghi nhớ đặc biệt với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chỉ có thời hạn 1 năm, song việc ký kết này đã đem lại niềm vui cho gần 16 nghìn lao động. Theo bản ghi nhớ đặc biệt, có ba đối tượng được phía Hàn Quốc cho phép giới thiệu cho chủ sử dụng lao động Hàn Quốc là: Lao động đã đỗ các kỳ thi tiếng Hàn tháng 12/2011, tháng 5/2012 và tháng 8/2012; lao động huyện nghèo sang Hàn Quốc làm nông nghiệp đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tháng 8/2012 và lao động về nước đúng hạn.

 

Bên cạnh tin vui từ thị trường lao động Hàn Quốc, một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia… cũng tiếp tục có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Trong đó thị trường lao động Đài Loan vẫn được xác định là thị trường chủ lực của chúng ta trong năm nay.

 

Đánh giá về thị trường lao động Đài Loan, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhận định: “Đài Loan vẫn là thị trường xuất khẩu lao động số một của Việt Nam khi luôn tiếp nhận trên 50% số người Việt ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra, Malaysia và Trung Đông cũng là hai thị trường mà các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng cao trong năm 2014, do đây vẫn là nhưng thị trường có nhu cầu tuyển dụng lớn”.

 

Về phía Nhật Bản, trong Hiệp định đối tác kinh tế đã triển khai hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật cho điều dưỡng viên Việt Nam đến năm thứ 2 và còn tiếp tục. Cục Quản lý lao động ngoài nước đang xúc tiến ký kết Biên bản ghi nhớ về tuyển dụng lao động giữa hai nước. Đây sẽ là văn bản pháp lý cao nhất khẳng định cam kết của hai chính phủ về việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác lao động giữa hai nước.

 

Thị trường xuất khẩu lao động truyền thống đã mang đến cho hàng ngàn lao động Việt Nam có công việc ổn định và mức thu nhập khá. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những thị trường này thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động. Vì vậy, trong năm 2014, chính phủ đã xác định cần phải mở rộng thêm thị trường xuất khẩu lao động sang các nước khác để giúp những lao động nghèo có công việc ổn định trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay.

 

Mở rộng thị trường mới

Không chỉ dừng lại ở các thị trường truyền thống, năm 2014 cánh cửa tiếp nhận lao động có trình độ của Việt Nam đang dần hé mở. Những chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên, hộ lý sang Đức và Nhật Bản làm việc đang được triển khai khá thuận lợi. Mặc dù số lượng lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều, nhưng đã tạo đà để mở rộng thị trường xuất khẩu lao động nghề có trình độ cao, thu nhập khá tại các nước phát triển.

 

Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Trong năm 2014, chúng ta có khá nhiều thuận lợi. Khu vực Trung Đông có dấu hiệu phục hồi trở lại, mặc dù năm 2013 chưa tăng mạnh số lượng lao động Việt Nam, nhưng đã có dấu hiệu khả quan hơn đối với lao động xây dựng và dịch vụ sang UAE, Qatar… Các nước phát triển ở châu Âu bắt đầu quan tâm đến điều dưỡng viên Việt Nam. Trong đó Đức vẫn đang tiếp tục triển khai dự án này sau khi đã triển khai thí điểm năm 2013.

 

Bên cạnh đó, Saudi Arabia cũng vừa công bố kế hoạch mở rộng nguồn tuyển dụng nhân lực bằng cách nhập khẩu lao động từ 9 quốc gia mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm trong nước, trong đó có Việt Nam. Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác lao động. Phía Saudi Arabia cũng cho biết một tin khá vui, đó là tất cả các hợp đồng giữa chủ thuê lao động và lao động nước ngoài đều sẽ được bảo hiểm đầy đủ, trong đó bao gồm cả các khoản bồi thường cho người lao động trong trường hợp bệnh tật hoặc qua đời, hay đối với người chủ khi công nhân bỏ trốn.

 

Như vậy, ngành xuất khẩu lao động của Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên và đẩy mạnh đưa lao động có trình độ, lao động đã qua đào tạo đi làm việc ở nước ngoài và mở rộng các hoạt động để mở các thị trường mới như: Australia, Canada, Bahrain, Angola, Thái Lan… Năm 2014, xuất khẩu lao động Việt Nam cũng sẽ bắt đầu tiến hành việc xuất khẩu một lượng lớn lao động Việt Nam sang thị trường Trung Đông và châu Phi.

 

Mở rộng thị trường xuất khẩu lao động là cơ hội để người lao động có nhiều lựa chọn cho mình những công việc tốt và phù hợp với khả năng. Đồng thời góp phần giải quyết được vấn đề việc làm cho người lao động trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể như hiện nay ở trong nước.

 

Năm 2014 được đánh giá sẽ tiếp tục là một năm có tình hình kinh tế vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục đối mặt với thử thách và có thể sẽ phải ngưng hoạt động hoặc phá sản. Vì vậy, xuất khẩu lao động sẽ giải quyết được một số lượng rất lớn lao động thất nghiệp trong tình hình khan hiếm việc làm như hiện nay. Để giữ vững được những thị trường lao động này, các cơ quan ban ngành phải siết chặt việc xuất khẩu của người lao động, đảm bảo không để xảy ra các tình trạng lao động chui, bỏ trốn, hết hợp đồng không chịu về nước, không tuân thủ các quy định về xuất khẩu lao động… làm ảnh hưởng đến những lao động khác và cái nhìn không thiện cảm của chủ doanh nghiệp các nước về lao động Việt Nam.